TRAPHACO SAPA VÀ

TRAPHACO SAPA VÀ "BÁT CƠM" CỦA NGƯỜI DTTS TẠI LÀO CAI

Tham gia trồng Atiso trong chuỗi giá trị của công ty Traphaco Sapa từ những năm đầu tiên, Anh Sùng và chị Thào Thị Mê - người dân tộc H'Mong tại Sapa cho biết: "Từ hồi trồng cây này cũng đỡ nhiều, không phải vay mượn nữa, cũng mua được đồ đạc linh tinh trong nhà". Gia đình anh chị là một trong những hộ hiếm hoi ở Sapa có 2 con đang học đại học tại Hà Nội. Anh Sùng chia sẻ, trước đây khi chưa trồng Atiso, thu nhập của anh chị chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô. Lương thực chỉ đủ ăn nên khi hết vụ mùa, anh phải đi làm mướn để trang trải cuộc sống, tiền học cho con cũng phải chạy vạy khắp nơi. Cho đến khi ký hợp đồng hàng năm với Traphaco Sapa trồng Atiso, gia đình anh đã có thu nhập ổn định. Nói về cây Atiso với niềm hào hứng, anh Sùng cho biết: “Mỗi năm nhà mình bán được 15 tấn lá cho công ty, ngoài ra có thể chế biến chè từ lá còn dư, và bán bông Atiso ở chợ.” Đối với các hộ như gia đình anh Sùng, thu nhập hơn 30 tr đồng/vụ từ cây Atiso là nguồn thu nhập rất đáng kể. Hơn nữa, đó lại là nguồn thu tới đều đặn hàng tháng nên bà con rất phấn khởi. Theo anh Sùng, trồng Atiso phù hợp với khí hậu ở đây nên hầu như không bị mất mùa, chỉ vất vả nhất khâu làm đất làm cỏ, và khó ở lúc chống kiến giai đoạn đầu. Sau 5 năm trồng thì anh đã biết cách làm, cũng biết cách để giống, làm phân bón. Công việc thường xuyên, ổn định nên anh không phải đi làm thuê như trước, gia đình cũng không phải vay mượn, cũng có điều kiện sắm sửa một số đồ đạc trong nhà.

Câu chuyện của anh Sùng, chị Mê là một trong những câu chuyện về “bát cơm” mà Traphaco Sapa đã mang đến cho người DTTS tại Lào Cai thay vì món “mèn mén” quen thuộc mà họ vẫn ăn trước đây. Có lẽ sẽ không có gì đáng nói về mô hình liên kết của Traphaco Sapa nếu như chúng ta không nhắc đến yếu tố văn hóa bản địa, sự phù hợp về điều kiện khí hậu cũng như tập quán của người dân nơi đây trong việc triển khai chiến lược kinh doanh.Theo nghiên cứu về người DTTS, hầu hết các chính sách hỗ trợ đều được xây dựng theo phương thức “đưa từ trên xuống” mà chưa tìm hiểu thấu đáo về đối tượng hưởng thụ, tập quán, văn hóa bản địa của nhóm đối tượng hưởng lợi. Với Traphaco Sapa, sự lớn mạnh của doanh nghiệp đồng nghĩa với công ăn việc làm và thu nhập ổn định của người dân. Cũng vì lẽ đó, ban lãnh đạo của Traphaco Sapa dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển 100% vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn, phát triển 30 sản phẩm chăm sóc sức khoẻ từ các thảo dược được nuôi trồng chế biến theo chuẩn, từ đó giúp tạo thu nhập cho hơn 1000 người thu nhập thấp là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong vòng 3-5 năm tới.

Như đã đề cập ở bài viết trước, câu chuyện tạo sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số hiện vẫn là thách thức với các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Hơn 130 chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đã được ban hành, cùng với đó là hàng loạt các dự án của các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước đã được thực hiện. Tuy nhiên, con số thống kê 70% người DTTS hiện nay là những người nghèo cùng cực, phần nào cho thấy khoảng trống và những thách thức trong việc tiếp cận hiệu quả trong xoá đói giảm nghèo cho cộng đồng DTTS. Tuy vậy, điều này cũng đặt ra câu hỏi và cơ hội cho nhà nước và các tổ chức xã hội để tìm ra những cách thức mới trong hỗ trợ cộng đồng, mà một trong những phương thức đó là đồng hành cùng với các doanh nghiệp trong phát triển kinh tế địa phương, gắn với phát triển sinh kế của người nghèo. Đây cũng chính là nền tảng triết lý của chương trình EFD, chúng tôi lựa chọn đồng hành cùng những DNVVN kinh doanh cùng người thu nhập thấp nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó sẽ tạo tác động hỗ trợ tích cực và bền vững hơn cho cộng đồng yếu thế tham gia trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp.

Là một trong 13 doanh nghiệp được lựa chọn từ hơn hơn 80 hồ sơ doanh nghiệp đăng ký tham gia dự án EFD giai đoạn 2016 – 2017, Traphaco Sapa là một trong những điển hình của doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn bền vững chuỗi dược liệu bản địa và góp phần tạo sinh kế cho người DTTS tại Lào Cai. Từ năm 2009 đến nay Traphaco Sapa đã hỗ trợ trồng và bao tiêu sản phẩm cho 200 hộ trồng Atiso tại huyện Sapa và Bắc Hà, trong đó có đến 80% là các hộ DTTS (H’mong, Tày, Nùng…), thu mua ổn định sản phẩm chè dây cho 15 hộ DTTS người Dao tại huyện Bát Xát. Mô hình liên kết được Traphaco Sapa triển khai tại Lào Cai đã giúp các hộ DTTS tăng thu nhập lên gấp 3-5 lần so với canh tác truyền thống trước đây. Người dân thay vì canh tác tự phát, thu nhập bấp bênh nay đã có công việc ổn định, đảm bảo đời sống, tăng thu nhập.

Xuất phát từ thực tế của Traphaco Sapa, dự án EFD đã triển khai hỗ trợ Traphaco Sapa thông qua các khóa đào tạo về quản trị chiến lược cho DNNVV, quản trị tinh gọn và xây dựng chiến lược thương hiệu. Các khoá đào tạo đã cung cấp kiến thức và phương pháp giúp doanh nghiệp hiểu và đánh giá tác động xã hội theo chuỗi giá trị, và lồng ghép vấn đề nhạy cảm giới trong quản trị kinh doanh. Ngoài các khoá đào tạo chung, doanh nghiệp nhận được gói tư vấn đồng hành tương đương hơn 180 giờ làm việc của các chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm trong vấn đề quản trị nhân sự và hướng dẫn xây dựng khung TĐXH gắn với chuỗi giá trị DN, xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo TĐXH mà doanh nghiệp tạo ra. Với Traphaco Sapa, dự án EFD kỳ vọng đội ngũ nhân sự tại Traphaco Sapa sẽ được tăng cường các kỹ năng, phát huy tích cực năng lực và vai trò của mỗi thành viên trong tổ chức. Sự phát triển về hệ thống nhân sự sẽ là nên tảng cơ bản để Traphaco Sapa phát triển. Với EFD, sự phát triển của Traphaco Sapa sẽ đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao đời sống của bà con DTTS tại khu vực này.

(Nguồn: CSIP)

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận