THANH NIÊN VÙNG CAO ĐỔI ĐỜI NHỜ CÂY DƯỢC LIỆU

THANH NIÊN VÙNG CAO ĐỔI ĐỜI NHỜ CÂY DƯỢC LIỆU

Bằng việc khôi phục lại nghề trồng cây dược liệu, hàng trăm thanh niên nông thôn ở hai huyện Sapa và Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã có công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Mới 6h sáng, dọc đường đi dẫn qua các thôn Phình Páo hảy Tả Tà Lé ( thuộc các xã của huyện Sapa, Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), qua mấy ngọn đồi thấp chúng tôi bắt đầu đến khu rừng có khá nhiều Chè dây. Mật độ Chè dây ở đây lớn nên chỉ chục mét là có một cây Chè dây có thể thu hái. Mấy chị người Dao bắt đầu lấy dụng cụ ra và thu hái Chè dây. Với dụng cụ cắt đặc biệt, các chị hái Chè dây nhanh thoăn thoắt, loáng cái đã được một nắm. Những ngọn chè non mơn mởn, xanh nõn hoặc hơi tím đỏ sẽ cho sản phẩm Chè dây thơm ngon và có hàm lượng hoạt chất Dihydro Myricetin cao nhất. Mỗi khi thu hái xong các chị lại bó Chè lại và gài vào các cành cây cao, sau đó mới gom lại vào bao để vận chuyển về.

Trên những nẻo đường khác dẫn đến thôn Ki Quang San, Séo Pờ Hồ, từng đám thanh niên đang nô nức rủ nhau lên ruộng. Tẩn Tả Mẩy, thôn Ki Quan San cho biết “chúng em đi chăm cây atiso. Trồng mấy cây này, thu nhập cao hơn từ 3-5 lần trồng lúa nên ở đây ai ai cũng trồng”.

Hình ảnh những cánh rừng, thửa ruộng trồng phủ màu xanh của các loại thảo dược đang tạo cho Sapa, Bắc Hà một vẻ đẹp mới của vùng núi cao. Hơn thế, nó đang mang đến cuộc sống ổn định và tương lại mới cho hàng trăm thanh niên nơi đây.

Ông Lê Tân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết “Sa Pa từng là vùng sản xuất dược liệu nổi tiếng. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Sa Pa là nơi cung cấp giống cây cho một số vùng trồng dược liệu làm nguyên liệu xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Nhưng đến đầu thập niên 90, do những biến cố  chính trị tại thị trường này đã khiến ngành sản xuất cây giống dược liệu ở Sa Pa rơi vào suy thoái”, ông Lê Tân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết. Công ăn việc làm của thanh niên ở đây vì thế cũng bị ảnh hưởng. Nhiều thanh niên đổ xô lên rừng tìm phong lan, tìm cây dược liệu rừng bán cho khách du lịch. Thu nhập cũng rất bấp bênh.

Trong khi nguồn tài nguyên dược liệu bị có nguy cơ cạn kiệt, nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng do nhu cầu sử dụng tăng, khai thác tận thu liên tục không chú ý đến tái sinh, bảo tồn thì nguồn dược liệu nhập khẩu không kiểm soát được nguồn gốc khiến người dân mất niềm tin vào độ an toàn của sản phẩm… Anh Đỗ Tiến Sĩ, Giám đốc Công ty Traphaco Sapa nhớ lại, năm 2011, khi bắt đầu thí điểm mô hình trồng cây dược liệu ở đây, việc vất vả nhất là tiếp cận được các thanh niên, thuyết phục họ tin mình. Khi đó, muốn gặp các thanh niên ở đây chỉ có cách nhanh nhất là tìm cách họ ở các quán rượu, dẫn ra khỏi quán rượu và làm cho anh ta tỉnh. Rồi phải đi lại rất nhiều lần, phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, UBND xã để vận động, đến tận nhà để hướng dẫn kỹ thuật trồng cây dược liệu, ký cam kết, tạm ứng chi phí… Dần dà, người dân ở đây mới tin tưởng vào mô hình mới và hợp tác cùng công ty.


 

Trò chuyện với Thào A Cáng, thanh niên này hồ hởi khoe: “Trồng Actiso nhàn hơn trồng lúa, không phải chăm bẵm nhiều, thu nhập lại gấp 3 gấp 4 lần. Vụ Actiso trước, tôi đã mua được xe máy”.

Đến nay, chỉ tính riêng cây atisô, 202 hộ dân tại Sa Pa mỗi năm thu hoạch gần 2.800 tấn sản phẩm chính là lá tươi, bán trực tiếp cho Công ty TNHH một thành viên Traphaco Sa Pa với giá trị hơn 6 tỷ đồng. Trung bình mỗi ha cây atisô thu hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh cây atisô, năm qua, doanh nghiệp trên còn thu mua 74,5 tấn chè dây, hơn 3 tấn đương quy của bà con trên địa bàn huyện, trong đó cây đương quy đạt 67 triệu đồng/ha. “Trung bình mỗi thanh niên ở đây có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng nhờ trồng cây dược liệu. Hơn thế, điều chúng tôi vui mừng là họ có được công ăn việc làm ngay tại địa phương, bảo tồn được nghề truyền thống của vùng đất”, ông Phong bộc bạch.

( Nguồn: Báo TIền Phong)

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận