Người đánh thức vùng dược liệu Tây Bắc

Người đánh thức vùng dược liệu Tây Bắc

Sa Pa là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, ngoài thế mạnh phát triển du lịch, nơi đây còn có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu quý. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà kho dược liệu này bị đã “ngủ quên”. Phải đến khi Anh Đỗ Tiến Sỹ - Giám đốc công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa “đánh thức” thì kho dược liệu quý này mới trở thành hàng hóa giúp người dân xóa đói giảm nghèo.



Dược liệu Actiso tươi tốt.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều người lại biết đến anh và coi anh như một người anh hùng trong việc phát triển và phục tráng các loại dược liệu tại vùng núi cao Tây Bắc. Anh Đỗ Tiến Sỹ nguyên là Phó trưởng phòng nghiên cứu và phát triển công ty CP Traphaco. Tại đây, anh chuyên nghiên cứu, tìm tòi và phát triển các loại cây dược liệu. Nhận thấy, tại các vùng cao Tây Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế đã phát triển nguồn dược liệu. Năm 2010 anh đã chọn vùng đất Sa Pa – nơi được vùng đất được mệnh danh là “Vua của các loài cây thuốc” làm điểm dừng chân để phát triển nguồn dược liệu quý. Những năm đầu lên Sa Pa công tác là cả một hành trình gian nan, vất vả, giao thông đi lại khó khăn. Hành trình di chuyển từ Hà Nội lên Lào Cai thông thường mất 10-12 tiếng, không kể việc tắc đường thường xuyên do tai nạn giao thông, mưa bão sạt lở...Ngày đó, vùng trồng dược liệu Actiso tại Sa Pa rất nhỏ lẻ, manh mún và sản lượng ít. Các loại dược liệu khác cũng gần như bị ngủ quên. 



Ông Đỗ Tiến Sỹ cùng nông dân thu hái dược liệu.

Tâm sự với chúng tôi anh cho biết sản phẩm BOGANIC chính là đứa con đẻ của mình. Đây là sản phẩm mà anh là một trong những người nghiên cứu thành công. Để có nguồn dược liệu sản xuất ổn định, quản lý được chất lượng, truy xuất được nguồn gốc nên anh đã chọn Sa Pa để khai thác phát triển. Đồng thời, anh cũng muốn giúp cho người dân nơi đây có thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống…. Là người tâm huyết, tận tâm với nghề nghiệp nên anh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tham gia thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp Nhà nước như: Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Ampelop làm thuốc điều trị loét dạ dày - tá tràng”; Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Embin làm thuốc tẩy sán từ loài chua ngút Embelia scandens (Lour.) Mez”; Đề tài “Nghiên cứu chế biến phụ tử và cao phụ tử từ cây ô đầu Sa Pa để chế tạo thuốc Bát vị quế phụ”; Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang cứng Bát vị quế phụ và viên nang mềm Boganic”; Đề tài “ Nghiên cứu phát triển Dược liệu Actiso tại một số địa phương vùng núi Tây Bắc góp phần vào công tác xoá đói giảm nghèo” tại Sa Pa – Lào Cai…Năm 2010 dự án khoa học cấp Nhà nước “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang cứng Bát vị quế phụ và viên nang mềm Boganic” do anh làm chủ nhiệm đề tài đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen.



Công ty Traphaco Sa Pa nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2015.

Với năng lực, kinh nghiệm và uy tín của mình, tháng 3 năm 2011 anh chính thức được cấp trên giao nhiệm vụ làm Giám đốc công ty TNHH MTV Traphacosapa. Từ khi đảm nhận chức danh Giám đốc công ty TNHH MTV Traphacosapa, anh đã cùng các cộng sự tập trung nghiên cứu, chú trọng vào công tác phát triển dược liệu. Hàng năm công ty tổ chức 3-4 lớp đào tạo, tập huấn cho người dân trồng dược liệu Actiso, đến nay diện tích trồng dược liệu Actiso đạt theo tiêu chuẩn GACP – WHO là 50ha, sản lượng từ  1.500 tấn – 1.800 tấn. Bên cạnh dược liệu Actiso công ty còn có vùng thu hái dược liệu chè dây đạt 35.000 ha và vùng trồng đạt 20 ha. Sản lượng dược liệu khô khoảng 100 tấn/ năm…Công ty cũng đồng hành và cùng với UBND huyện Bắc Hà về việc phát triển một số loại dược liệu: Actiso, Đương quy, Đan sâm… tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số và tăng thu nhập cho người có thu nhập thấp. 



Công ty Traphaco Sa Pa hoạt động từ thiện.

Năm 2013 công ty tham gia dự án “ổn định vùng trồng dược liệu quý và đảm bảo chất lượng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người đồng bào dân tộc thiểu số với quỹ thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF). Công ty đã tạo ra giá trị gia tăng thu nhập cho hơn 3.000 việc làm (trong đó 80% là người dân tộc thiểu số). Bên cạnh đó công ty còn là thành viên duy nhất tại Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại sinh học có đạo đức (UEBT- Union for Ethical Bio Trade). Năm 2018, Công ty Traphaco Sa Pa clà 1 trong 2 công ty đầu tiên của Lào Cai được chứng nhận là Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, với những ứng dụng Khoa học Công nghệ trong sản xuất kinh doanh đem lại những hiệu quả kinh tế - xã hội đặc biệt ở vùng cao. Hiện tại, sản phẩm chính của công ty là Cao Actiso dạng phun sấy, đặc, lỏng, cốm. Cao chè dây, Cao rau đắng đất, các loại trà Giảo cổ lam, chè dây (dạng thô, dạng túi lọc), đông trùng hạ thảo, cao chè vằng, Chocolate Detox…với 01 nhà máy sản xuất bao gồm 03 dây truyền chiết xuất, 01 hệ thống công nghệ sấy phun cao dược liệu và 01 hệ thống phòng sạch. Công suất sản xuất đạt 3000 tấn dược liệu tương đương 100 - 120 tấn cao dược liệu/năm. Sau gần một thập kỉ âm thầm cống hiến anh đã làm sống dậy vùng dược liệu quý của đất nước, làm bùng lên sức sống nơi vùng cao Tây Bắc xa xôi, đem lại hy vọng về sự phát triển, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây...



Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Lào Cai thăm công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa.

Với những đóng góp, cống hiến lớn lao của anh cho cộng đồng, anh Đỗ Tiến Sỹ đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của nhà nước, tỉnh Lào Cai và các cấp bộ, ngành, địa phương như: Chủ tịch nước tặng Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2012. Bằng khen của Thủ tướng chính phủ về thành tích “đã đạt giải cao giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2010”; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai năm 2016; Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai” năm 2016. Đặc biệt, trong đợt thi đua đặc biệt Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ lên thăm Lào Cai (23/9/1958 – 23/9/2018), 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018) anh là 1 trong 60 cá nhân tiêu biểu đại diện cho tỉnh Lào Cai về Thủ đô Hà Nội báo công dâng Bác tại Phủ Chủ tịch. Giải nhất Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam - VIFOTEC năm 2010; Bằng Lao động sáng tạo  của Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam năm 2010, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển Khoa học Công nghệ do bộ trưởng Bộ KHCN trao tặng, Doanh nhân sáng tạo thời kỳ đổi mới…Tập thể công ty TNHH MTV Traphacosapa được nhận giải thưởng KOVA về công trình nghiên cứu có tính sáng tạo, kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong đời sống xã hội và cộng đồng đạt giá trị kinh tế cao năm 2012; Bằng khen của UBND tỉnh các năm: 2013, 2016, 2018…. Những ghi nhận đó là sự động viên lớn lao đối với những cống hiến của anh trong thời gian. Đây cũng là động lực để anh tiếp tục hoàn thành sứ mệnh, hoài bão phát triển Dược liệu Việt Nam. Góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng cao và sáng tạo những sản phẩm Xanh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng./. 
← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận